Các con cố gắng thu xếp thời gian
Để có thì giờ tìm hiểu về tâm của mình.
Điều này lợi lạc vô cùng
Hãy bớt những việc vô ích và phức tạp của thế gian.
Thoạt đầu có thể con chẳng hiểu hoặc chẳng thấy gì cả.
Dần dần con sẽ hiểu chút ít về tâm
Con chỉ biết cái tâm đa đoan
Như suy nghĩ, tính toán, so lường
Thương ghét, giận hờn, lo âu, sầu khổ
Buồn bực, xót xa, nuối tiếc, vừa lòng
Vinh dự và không vinh dự...
Thông thường con sẽ thấy những thứ tâm này trỗi dậy từ hai nguồn:
Một do sự tiếp xúc với các cảnh giới bên ngoài
Và hai, do một nguồn từ tiềm thức trỗi dậy.
Con hiểu đại khái như vậy.
Ví như con đang âu lo một ngoại cảnh nào đó và con cho rằng khi nào ngoại cảnh chấm dứt thì sự âu lo sẽ không còn
Hoặc một ngoại cảnh gây ra một vết thương lòng
Con cho rằng khó xóa được
Nhưng sự thật không phải thế.
Điều con nghĩ không phải là ảo mộng
Nhưng chỉ là sự thật tương đối sinh diệt không vững bền.
Rồi con ngẫm nghĩ lại xem
Mọi việc bên ngoài vẫn tiếp tục thay đổi chứ.
Tâm con cũng thay đổi theo
Đối phó nhiều hơn là an định
Khổ đau nhiều hơn là phúc lạc, được cái này thì mất
cái kia.
Cả một thế giới tâm phức tạp
Đưa đến các cảm xúc phức tạp.
Nhưng mọi nẻo đường đều dẫn đến kết thúc
Là luôn không vừa lòng và bế tắc.
Tất nhiên phải phiền não, buồn khổ, âu lo, tức giận
Và có thể dẫn đến những hành động vô minh làm uổng đời mình và phụ lòng người khác.
Đáng lẽ ra không phải như vậy
Nếu không có sự nhầm lẫn về tâm.
Tóm tắt mà nói:
Nếu không hiểu được tâm mình
Mãi mãi đắm chìm trong khổ đau bế tắc.
Này con!
Nếu con kiên quyết tìm biết cho được
Trạng Thái Thật Của Tâm con
Các vấn đề sẽ dần sáng tỏ
Kể cả các bí ẩn về con người và vũ trụ.
Nay ta giới thiệu cho con một số nét đặc trưng
Trạng Thái Thật Của Tâm
Con hãy nương vào đây suy ngẫm và thiền quán về Trạng Thái Thật Của Tâm mà ta tạm dùng lời nói như một phương tiện dẫn dắt con vào con đường hợp nhất.
Và chắc chắn con sẽ hợp nhất được với nó.
Chức năng của Tâm Nguyên thủy là thấy biết
Thấy biết qua mắt
Thấy biết qua tai
Thấy biết qua mũi
Thấy biết qua lưỡi
Thấy biết qua thân xúc chạm
Thấy biết qua ý căn (đầu óc).
Bây giờ con dùng chức năng này để thấy và biết chính tâm con.
Biết như thế này:
Nó có thật nhưng không màu sắc, mùi vị
Nó có thật nhưng không nhỏ không to
Nó có thật nhưng không bẩn không sạch
Nó có thật nhưng không làm sao thấy được
Vì nó vô hình vô tướng.
Nó có thật nhưng không thể hiểu được bằng trí óc của thế gian
Nó có thật và ai cũng có giống nhau, phàm, thánh đều như vậy.
Nó không do một cái gì sinh ra
Nó tự có, tự biết, tự thấy, thường trụ như vậy
Vì nó không bị diệt.
Nó rỗng rang trống không như bầu trời
Nhưng nó khác bầu trời là nó luôn luôn
thường thấy biết.
Thường xuyên thấy biết vô thủy, vô chung
Không lúc nào dừng nên gọi đèn Trí Huệ thường chiếu.
Cũng có thể gọi sự thường thấy biết này
Là một loại Trí Năng bao la bát ngát không ngằn mé
Không phụ thuộc vào bất cứ gì, không phải do nhân duyên sinh
Cũng có thể gọi nó là Siêu Trí Thường Chiếu trong mọi con người.
Nó có mặt trong tất cả trí của thế gian
Nó không nằm gọn trong trí thế gian.
Tất cả trí thế gian đều nằm gọn trong Nó, và vì vậy
phải tùy thuộc vào Nó.
Trí này hoàn toàn không thiên chấp
Vì vậy không bị kẹt chỗ nào
Cũng có thể gọi là Trung đạo.
Dù Nó có mặt trong tất cả thế gian trí, thế gian tâm
Nhưng Nó hoàn toàn vô nhiễm.
Tâm sinh diệt cứ sinh cứ diệt
Nhưng Nó hoàn toàn không sinh diệt.
Tâm sinh diệt từ Nó mà xuất sinh, khi diệt trở về hòa hợp trong chính Nó.
Các tâm yêu ghét, giận hờn, phiền não, khổ đau lo lắng...
Phát sinh rồi mất đi
Nó vẫn có mặt ở đó và vô nhiễm.
Nó không vui, không buồn, không lo lắng, không sợ hãi, không đau xót, không tức giận, không rầu khổ
Không cảm thấy xấu hổ hay vinh quang.
Nó đơn thuần chỉ thấy và biết thường xuyên như mặt trời lúc nào cũng chiếu sáng.
Chỗ nào không nhận được ánh sáng của mặt trời
Do chỗ đó chưa đủ nhân duyên tiếp nhận ánh sáng của mặt trời, chứ không phải mặt trời thiếu vắng.
Nó đã có rồi, không biết từ đâu, trước khi ta sinh ra.
Và Nó sẽ còn đó, sau khi ta bỏ xác thân này
Nếu ta muốn ám chỉ Thượng Đế có quyền năng tối cao lập ra muôn loài
Thì Nó chính là Thượng Đế.
Nếu ta muốn ám chỉ Phật là sự hiểu biết
tột cùng, vô thượng
Thì Nó chính là Phật.
Nếu ta muốn ám chỉ Bầu Trời mênh mông và gọi là
Ông Trời sáng lập ra tất cả
Thì Nó chính là Ông Trời.
Nếu ta muốn ám chỉ Đấng Tối Cao
rất cao không thể biết được.
Có đủ quyền năng với vũ trụ và con người
Thì chính đó là Đấng đó vậy.
Nếu ta muốn ám chỉ Tâm Bất Sinh
(Trạng Thái Thật Của Tâm) là Thần cha
Thì vô lượng tâm sinh diệt là vô lượng Thần con, hóa thân của Thần cha
Nếu ta ám chỉ Trí Huệ Thường Chiếu là Thần cha
Thì vô lượng thế gian trí là vô lượng Thần con hóa thân từ Thần cha.
Thần cha ngự trị vĩnh hằng thì vô lượng Thần con biến hóa sinh diệt làm lợi lạc quần sinh.
Nên nếu không có Thần con, Thần cha vô nghĩa, trống không vô dụng.
Và nếu không có Thần cha ngự trị và hộ trì cho Thần con
Thì Thần con điên dại, vô minh, hại mình, hại đời và rồi bế tắc trong cuộc đời đổi thay, tạm bợ.
Ngộ được điều này sẽ thấy lợi ích to lớn trong cuộc đời.
Khi nào bản ngã hay tâm chấp ngã của con hợp nhất được với Nó
Con sẽ hiểu được lời ta nói.
Hiểu Nó để làm gì?
Hòa hợp với Nó để làm gì?
Chắc chắn không phải để thành Phật, thành Chúa,
Thành Thánh, thành Tiên gì cả.
Mà chính mỗi chúng ta sẽ thành Đấng sáng tạo trong đời.
Bởi mỗi chúng ta là một Đấng giác ngộ
Rồi chính ta và nhân thế được hưởng phúc lạc tại thế giới này trong mọi giây phút của cuộc sống.
Ta không thể phô diễn việc này cho ai thấy biết được
Ta không thể biểu diễn một thứ thần thông nào cho ai khiếp sợ và tuân theo.
Ta sống đơn giản và an lạc trong mọi lúc mọi nơi, mọi hoàn cảnh.
Ta làm chỗ dựa tinh thần cho kẻ yếu đuối, trí kém đức mỏng.
Ta biết cách sáng tạo ra hình thái của chính ta trong kiếp này và kiếp tới.
Khi con an trú được trong Trạng Thái Tâm Chân Thật này:
- Không cần phải học hành buông xả,
Nó vẫn tự buông xả tận cùng của sự buông xả.
- Không cần học và hành lìa chấp,
Nó vẫn tuần tự lìa chấp tận cùng.
- Không cần học và hành nhẫn nhục,
tự Nó sẽ nhẫn nhục tận cùng.
- Không cần phải siêng năng, tự Nó giúp cho con siêng năng không biết mệt mỏi.
- Không cần phải nhồi nhét thứ trí tuệ nào, tự Nó luôn luôn minh mẫn dẫn đường cho ta đi trong cõi đời mờ mịt.
- Không phải cố gắng gượng thương người, tự Nó thương người vô hạn, tự nhiên.
- Không cần phải tu tập pháp gì để được pháp gì, vì tự Nó đã đầy đủ muôn pháp.
- Không cần phải tìm cách tạo niềm hỷ lạc nào, tự Nó là niềm hỷ lạc triền miên.
- Không cần học hỏi cách nhìn đúng đắn nào, tự Nó đã là kho tàng của cái nhìn đúng đắn.
- Không cần tìm cách giải thoát, tự Nó đã là giải thoát vĩ đại nhất nuôi dưỡng vô lượng chúng sinh trong cảnh đời ràng buộc.
- Không cần nghĩ đến khoái lạc, tự Nó khoái lạc tự tại trong cảnh đời hỗn độn
đầy bất trắc phiền não và tạm bợ.
- Không cần cố gắng nghĩ thiện, nói thiện, làm thiện, tự Nó luôn luôn chân thật và phát ra những phương tiện suy tư, nói năng, làm việc chỉ vì lợi lạc quần sinh.
Vì Nó không có nhu cầu chiếm hữu một trạng thái tâm nào, kể cả trạng thái Niết Bàn.
Và cũng không có nhu cầu chiếm hữu một pháp hữu tướng nào, vì các pháp ấy là hóa thân của Nó.
- Không cần phải cố gắng chân thật,
vì tự Nó không bao giờ hư dối.
- Không cần thấy mình khổ nữa, vì bây giờ mình là hóa thân và sống với ý thức hóa thân.
- Không cần phải ra sức diệt khổ nữa, vì khổ đã chấm dứt, các nghiệp đã tan rã, và tiếp tục hành động mà không gây nghiệp.
- Không cần tìm đến Niết Bàn, vì tự Nó chính là Niết Bàn.
- Không cần phải dùng phương tiện gì tu đạo nữa, vì đây chính là Đại Đạo rồi.
Không khổ nhọc tìm đường mở Đại Trí nữa, vì đây là kho tàng của Đại Trí.
- Các thứ trí sẽ dần hiển lộ.
- Không cần phải tu thiền định nữa, vì đây là cảnh giới đại định bất khả tư nghì.
- Không cần phải luyện thần thông, vì đây là kho tàng của đại thần thông
(khi cần chúng sẽ xuất hiện).
- Không cần học môn biết tâm chúng sinh, mà tự biết tất cả tâm chúng sinh.
- Biết cả các cảnh giới mà chúng sanh phải đi qua.
- Và biết cách giúp họ thoát khổ,
ra khỏi luân hồi sinh tử.
- Không còn phải sợ chết, sợ yểu mạng, vì biết rõ từ đâu đến, sau khi bỏ xác thân sẽ về đâu.
- Không cần mưu toan điều gì, Tự Nó rất sáng suốt tạo ra những thứ cần dùng cho thân tạm bợ này và làm vui lòng tha nhân.
Không sao kể xiết năng lực và công đức bất khả tư nghì của Nó.
Ôi ân đức làm sao! Khi con biết được Tâm này.
Thiền đường Bồ Đề Đạo Tràng,
Ấn Độ, tháng 2 - 2000